Tỉnh giấc trong một ngày đầu năm 1978, người dân Paris ngạc nhiên phát hiện một toà nhà độc đáo mọc lên giữa trung tâm thành phố. Thoạt nhìn, nó giống như một nhà máy lọc dầu đang xây dựng dở với giàn giáo khổng lồ và những đường ống sơn ba màu: xanh, đỏ, trắng - quốc kì của Pháp. Toàn bộ cấu trúc của toà nhà kiêu hãnh phát lộ dưới ánh mặt trời.
"Nhà máy khổng lồ" ấy là Trung tâm văn hoá Georges Pompidou - đứa con tinh thần của Renzo Piano. Từ đây, dưới bàn tay của người kiến trúc sư tài hoa, những công trình kiến trúc tràn ngập ánh sáng đã ra đời, góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc thế kỷ 20.
Sự lựa chọn can đảm
Renzo Piano sinh ngày 14/9/1937 tại Genova trong một gia đình nhiều thế hệ theo nghề thầu khoán xây dựng, từ ông nội, cha, các chú cho tới những người anh em. Riêng Genova được biết tới là quê hương của những nhà hàng hải, mà nổi tiếng nhất là Christopher Columbus.
Nhưng Piano không đi theo truyền thống gia đình. Ông chọn kiến trúc - sự kết hợp của toán học và mĩ thuật, sự chính xác và tính lãng mạn. Có lẽ chính tinh thần ưa mạo hiểm của các bậc tiền nhân đã rẽ cuộc đời Piano sang một hướng khác, để chàng trai trẻ đến với chân trời của khám phá và sáng tạo.
Tốt nghiệp Trường thiết kế tổng hợp Milan, Renzo Piano trở về giúp đỡ công ty của gia đình trong một thời gian ngắn trước khi đến làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư Louis Kahn (Philadephia) và Marzowski (London).
KTS Renzo Piano và nội thất Trung tâm văn hoá Pompidou |
Tại đây, ông được tiếp nhận những luồng tư tưởng đột phá, đề cao công năng sử dụng của công trình kết hợp với hình thức mới hiện đại hơn, ấn tượng hơn. Bên cạnh Louis Kahn, ông còn khâm phục và chịu ảnh hưởng của kiến trúc sư Pierluigi Nervi, Jean Prouve, Buckminister Fuller.
Piano thấy rằng tiến bộ công nghệ là động lực phát triển của ngành kiến trúc. Ông quyết tâm tạo nên những tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp của kỹ thuật và công nghệ.
Những lâu đài ánh sáng
Công trình đầu tiên của Renzo Piano là nhà triển lãm công nghiệp Italia (Osaka - 1970). Được thiết kế ngoài trời, công trình mang dáng vẻ khoẻ khoắn, là sự kết hợp của một hệ thống cáp nối, ròng rọc liên hoàn. Ngay từ công trình này, Piano đã thể hiện xu hướng ưa thích các vật liệu công nghệ cao.
Tác phẩm đầu tiên đem lại thành công vang dội cho Renzo Piano chính là Trung tâm văn hoá Pompidou. Đây là tác phẩm Piano thực hiện cùng kiến trúc sư trẻ người Mỹ Richard Roger.
Khác với quan niệm đương thời, hai ông cho rằng trung tâm văn hoá là trung tâm cuộc sống, là một dạng đại học giữa đời thường. Các ông lựa chọn kết cấu thép để làm nổi bật ý tưởng không gian linh hoạt và rộng lớn.
KTS Renzo Piano |
Đồ án của Renzo Piano - Richard Roger đã vượt qua 681 bài thi để trở thành tác giả của công trình.
Tuy vậy, giống như trường hợp của Gustav Effiel với ngọn tháp nổi tiếng cùng tên, ban đầu dư luận cho rằng công trình quá hiện đại, có thể phá vỡ bầu không khí cổ kính của Paris. Không nản lòng, Piano quyết định sẽ sản xuất "chui" các phụ kiện ở Đức, sau đó chuyển về Pháp và lắp đặt vào ban đêm để tránh sự chỉ trích.
Công trình ra đời nằm giữa trung tâm Paris, gần Nhà thờ Đức Bà cổ kính, tựa như một nhà máy công nghiệp khổng lồ. Với những mảng màu tươi nguyên, các lồng kính trong suốt bao quanh các thang máy và thang bộ, cấu trúc phơi bày, không gian kiến trúc uyển chuyển và đa năng, công trình toát lên vẻ đẹp công nghiệp khoẻ khoắn, tinh gọn, chính xác và luôn thôi thúc khám phá. Trung tâm văn hoá giống như một "cỗ máy" khổng lồ, không ngừng sản xuất các sản phẩm văn hoá cho nước Pháp và thế giới.
Trung tâm văn hoá Pompidou được coi là sự khởi đầu của trào lưu kiến trúc công nghệ cao. Một sự thách thức với giá trị kinh điển và "nhái" những mô hình công nghệ đương thời. Piano đưa ra một so sánh thú vị: "Đó là một cỗ máy tràn ngập niềm vui sống, một sinh vật trong tiểu thuyết viễn tưởng của Jules Verne đang nằm phơi nắng".
Ánh sáng là yếu tố đặc trưng trong các công trình của Renzo Piano. Bảo tàng sưu tập Menli (Houston, 1981 - 86) được ca ngợi là công trình đẹp nhất trong kiến trúc Piano.
Khu bảo tàng nằm ẩn hiện trong không gian xanh mát. Phần mái mềm mại giống như những chiếc lá, vì thế ánh sáng qua lớp kính trên cùng không rọi trực tiếp vào không gian trưng bày mà phản xạ qua các mặt lồi lõm của "lá" để khuyếch tán đều. Tất cả toát lên vẻ bình yên, nét đẹp hiện đại mà trong sáng.
Trung tâm văn hoá Pompidou |
Ánh sáng có ngôn ngữ riêng của nó. Piano không phải người đầu tiên phát hiện ra điều ấy, nhưng ông đã vận dụng tài tình. Gần 20 năm trước, ông đã thiết kế sân vận động bóng đá San Nicola (1990) như một món quà dành cho nước Ý. Phần khán đài được chia nhỏ làm 26 phần như 26 cánh hoa, kết hợp hài hoà với ánh sáng, xoá tan cảm giác nặng nề. Phần mái che bằng thép và vải bạt có thể điều chỉnh, trông xa như một đĩa bay khổng lồ.
Mang thiên nhiên vào bản vẽ
Nhược điểm của kiến trúc hi-tech là đôi khi mải mê với công nghệ mà xem nhẹ yếu tố ngoại cảnh. Các công trình của Piano không mắc phải nhược điểm này. Ông học tập thiên nhiên. Thiên nhiên cho ông những ý tưởng giản dị mà độc đáo, những gợi ý tuyệt vời cho những bài toán tưởng chừng phức tạp giữa tính bền vững và thẩm mĩ, tỷ lệ chỗ ở với diện tích cây xanh- mặt nước...
Từ thiên nhiên, Piano học được mô hình nhà lều Kanak và áp dụng vào Trung tâm văn hoá New Caledonia. Công trình nằm ngay gần bờ biển, phân chia thành các "làng" của người bản địa, trông xa giống như những cây thông lớn. Các vách tường được thiết kế hai lớp, cao vút như cánh buồm, vừa có tác dụng chống sức gió 240 km/h, vừa điều tiết không khí qua những khung kính chớp - gỗ lắp ráp liên hoàn. Đây là một công trình đậm đà bản sắc văn hoá bản địa và cũng là kiệt tác của kiến trúc sư người Ý.
Trong thiết kế mô hình nhà triển lãm di động IBM, Renzo Piano lại sử dụng hiểu biết về sinh học tạo nên những kết cấu gỗ gắn với nhau như xương và gân lá. Ông đã tạo ra một nhà triển lãm di động dài 48m, rộng 12m, cao 6m. Đây đích thực là một con sâu khổng lồ, mà trong "bụng" là vô số trò ảo thuật tin học của IBM.
Từ những chiếc gân lá nhỏ bé cho tới bộ xương khủng long đều xuất hiện trong tác phẩm của Piano. Chính kết cấu chịu lực dạng xương khủng long đã giúp sân bay quốc tế Kansai đứng vững trong trận động đất năm 1995. Trong khi thành phố Kobe chịu thiệt hại nặng thì sân bay không hề suy chuyển, dù chỉ là một tấm kính!
Trong thiết kế đô thị, Renzo Piano rất chú ý đưa thiên nhiên vào phố. Đồ án khu đô thị Daimler - Benz (1992) thể hiện tình yêu thiên nhiên cũng như những vẻ đẹp bình dị của đô thị cổ Âu Châu. Piano muốn làm sống lại những con đường lát đá, những ngôi nhà uy nghiêm, trầm mặc, những con phố dài, sạch sẽ và trật tự, những mái vòm... Tất cả hài hoà trong không gian xanh, đầy gió trời và ánh sáng.
Không chỉ áp dụng vào những công trình kiến trúc, ông còn học được từ "người thầy" thiên nhiên cách đối nhân xử thế.
Ông tự nhận mình là người rụt rè, ít nói, nhưng luôn nhớ rất rõ những thắng - thua trong cuộc đời và có ý thức học hỏi, phân tích, tổng hợp. Có phải vì thế, Richard Roger - người bạn và cũng là kiến trúc sư danh tiếng đã gọi Piano là "người khiêm nhường nhưng không bao giờ hết đam mê", là "người thuỷ thủ của những chuyến viễn du kỳ ảo"?
Năm 1994, Piano trở thành đại sứ thiện chí UNESCO về kiến trúc. Năm 1998, ông vinh dự dành giải thưởng Fritker - Oscar của ngành kiến trúcb - trở thành người Ý thứ hai giành được giải thưởng này. Ông đã gắn két nghệ thuật với kĩ thuật, sánh ngang với những người khổng lồ như Leonardo de Vinci và Michelangelo.
No comments:
Post a Comment